Kỳ nghỉ hè đã cận kề. Làm gì để tránh hoặc giảm tình trạng học sinh, đặc biệt là bậc THPT bỏ học sau hè là vấn đề nan giải đối với các huyện miền núi. Tuy nhiên, không phải là không thể giải quyết tình trạng trên, nếu đề ra giải pháp phù hợp và triệt để thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả làm việc với huyện Nam Trà My về tình hình học sinh bỏ học. |
Xem trường THPT là của huyện
Những năm trước đây, huyện Tây Giang rất “khổ” với tình trạng học sinh THPT bỏ học giữa chừng. Khi trường THPT Tây Giang mới thành lập, khu nhà ở nội trú cho học sinh chưa có. Hàng trăm học trò ở các xã về trung tâm huyện học phải làm những túp lều tạm bợ bên triền núi gần trường để ở. Thời gian sau, dù đã có khu nhà nội trú tương đối khang trang, đáp ứng nhu cầu của phần lớn học trò nhưng tình trạng bỏ học vẫn diễn ra. Xác định nguyên nhân chính của tình trạng bỏ học không còn do chỗ ở mà là điều kiện ăn uống thiếu thốn nên từ năm học 2010 - 2011, huyện Tây Giang quyết định bố trí nhân viên cấp dưỡng (huyện trả lương) để làm nhiệm vụ nấu ăn cho học sinh. Sau bước thử nghiệm đầu tiên với 4 người, đến năm học 2011 - 2012, số lượng nhân viên cấp dưỡng đã tăng lên 14 người. Ngoài ra, huyện còn cấp đủ gạo và hằng tháng hỗ trợ thêm tiền ăn cho mỗi học sinh 50 nghìn đồng. Hiệu trưởng trường THPT Tây Giang - Đinh Văn Tư nói: “Giờ đây, chuyện ăn ở của học trò trường THPT Tây Giang không phải lo. Ăn uống đã có người nấu. Gạo đã có huyện lo. Tiền ăn, ngoài 100 nghìn đồng học bổng mỗi em còn được huyện hỗ trợ thêm 50 nghìn đồng/tháng. Nhờ đó, trường đã giảm nhanh tỷ lệ học sinh bỏ học”.
Theo ông Phan Văn Chín - Phó Giám đốc Sở Tài chính, so với học sinh các trường phổ thông DTNT thì ngân sách nhà nước cấp cho học sinh các trường THPT ở miền núi quá thấp. Trong khi học sinh các trường THPT được hỗ trợ học bổng 100 nghìn đồng mỗi tháng (hưởng 9 tháng) và 40 nghìn đồng học phẩm mỗi năm thì học sinh các trường phổ thông DTNT được Nhà nước cấp hơn 10 triệu đồng/năm. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm tăng thêm mức hỗ trợ học bổng cho học sinh các trường phổ thông ở miền núi để giúp các em có điều kiện ăn học. |
Còn ở trường THPT Nam Trà My, chỗ ở nội trú cho học sinh chỉ mới đáp ứng 50% so với nhu cầu, số còn lại phải ở nhờ nhà người quen hoặc thuê nhà trọ. Đã vậy, các em còn phải tự lo nấu ăn nhưng điều kiện kinh tế gia đình không đủ cung cấp gạo, tiền. Vì vậy, trong buổi làm việc với huyện Nam Trà My mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả đề nghị chính quyền huyện phải coi trường THPT Nam Trà My là trường của địa phương mình để từ đó có sự quan tâm nhiều hơn. Trong thời gian tới, huyện cần hỗ trợ thêm gạo cho học sinh, phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT trong việc bổ nhiệm cán bộ quản lý, điều chuyển đội ngũ giáo viên; tăng cường chỉ đạo các ban, ngành của huyện, các xã vận động, tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức về việc học tập của con em. Đối với Sở GDĐT và nhà trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả yêu cầu cần sớm thực hiện tuyển nhân viên cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh; đẩy nhanh việc xây dựng khu nhà ở nội trú và các hạng mục khác. Về các chế độ, chính sách cho học sinh, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, trong đó sớm điều chỉnh mức hỗ trợ học bổng, vì mức 100 nghìn đồng/em mỗi tháng như hiện nay là quá ít.
Phát huy nội lực
Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Minh Hoàng, một trong những nguyên nhân làm cho học sinh miền núi bỏ học nhiều là do phương pháp sư phạm của giáo viên còn hạn chế. “Các em vừa xa nhà, vừa đói, cũng vừa học kém. Thế nhưng, thay vì dạy và dỗ, nhiều thầy giáo, cô giáo trẻ cứ “ngang ngay sổ thẳng”. Với học sinh dưới đồng bằng đó là bình thường nhưng học sinh người dân tộc thiểu số rất khó thuyết phục” - ông Hoàng dẫn chứng. Vì thế, ông Hoàng đề nghị ban giám hiệu các trường học miền núi làm tốt công tác tư tưởng với cán bộ, giáo viên thực hiện nhiệm vụ theo lương tâm, trách nhiệm của nhà giáo, cần xây dựng mối quan hệ tốt, ứng xử sư phạm đối với học sinh, tạo niềm tin và tình thương để giữ các em ở lại trường. Bên cạnh đó, các trường tiếp tục tăng cường thời lượng dạy phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém, tiếp tục duy trì các lớp tự học ban đêm có hướng dẫn của giáo viên cho các em ở nội trú. Ngoài ra, nhà trường cũng cần phải nắm rõ hoàn cảnh từng học sinh để khi các em bỏ học kịp thời báo cho chính quyền huyện, xã có giải pháp huy động ra lớp.
Liên quan đến chất lượng giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng, cũng cần thiết phải xem lại chủ trương tuyển 100% học sinh tốt nghiệp THCS ở các huyện miền núi vào lớp 10 như hiện nay vì như thế chất lượng đầu vào quá thấp. Không ít học trò ở miền núi bị hỏng kiến thức từ cấp dưới nên khi lên cấp cao hơn học không nổi dẫn đến chán nản, bỏ học. Thực tế ở các trường THPT, số lượng học sinh bỏ học ở khối 11 và 12 rất ít mà hầu hết tập trung ở khối lớp 10 (trường THPT Nam Trà My 85 em lớp 10 trong tổng số 105, THPT Tây Giang 72 em lớp 10 trong tổng số 90 em). Theo ông Hồ Văn Ny - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, nên chuyển đổi loại hình trường THPT ở miền núi sang trường THPT DTNT hoặc bán trú để các trường có chế độ tuyển dụng cán bộ cấp dưỡng làm nhiệm vụ nấu ăn, cán bộ quản lý học sinh.
XUÂN PHÚ (Báo Quảng Nam)