Hai chị em là Hồ Thị Tuyết (học lớp 7/1, trường Phổ thông Dân tộc nội trú) cùng em gái Hồ Thị Tuyên (học lớp 3/1, trường tiểu học Kim Đồng) là người Ca Dong thuộc nóc Tắk Chươm, thôn 1, xã Trà Mai (huyện vùng cao Nam Trà My, Quảng Nam).
Ngôi nhà ba bà cháu nằm chon von trên một quả đồi thuộc nóc Tắk Chươm. Con đường mòn cỏ mọc ngút đầu gối người. Trong ngôi nhà Đại đoàn kết bằng gỗ do tập đoàn dầu khí Việt Nam tặng năm 2009 chẳng có gì giá trị ngoài những giấy khen, bằng khen về thành tích học tập của hai đứa cháu.
“Hai đứa nó học giỏi tôi mừng lắm. Năm nào, có giấy khen, bằng khen tôi cũng cũng ki cót, dành dụm mua bằng được cái quần hay áo mới để khích lệ chúng”, bà ngoại Đinh Thị Liên cho biết.
Nghe cháu nói, bà Liên cũng không cầm được nước mắt, bà ôm hai đứa cháu vào lòng ngậm ngùi nói: “Hai đứa nó ngoan lắm. Con bé lớn (Tuyết) học ở trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện học cách nhà 3 km. Cứ chiều thứ 6 hàng tuần là về nhà thăm nhà. Nó về nấu ăn rồi giặt giũ quần áo cho tôi và em nó.
Ở trường, Tuyết là lớp phó học tập gương mẫu, năng nổ, luôn luôn đi đầu trong các phong trào của lớp, trường. Nói về cô học trò cưng, cô Hồ Thị Truyền (cô giáo chủ nhiệm) cho biết: “Tuyết đam mê học Văn, có giọng hát hay và thuyết trình rất là tốt. Em luôn luôn dẫn chương trình trong các hoạt động của trường và đạt nhiều giải thưởng: năm học 2010-2011, giải nhất hội thi thuyết trình văn học cấp trường, giải ba hội thi văn học cấp tỉnh; năm học 2011-2012, giải khuyến khích thuyết trình văn học cấp tỉnh, giải nhất thuyết trình văn học cấp trường”.
Thầy Lê Viết Khánh (Giáo viên Tổng phụ trách của trường) cho biết thêm: “Trong trường, hoàn cảnh học sinh Tuyết là khó khăn nhất trường. Cha, mẹ bỏ đi để em cùng em gái sống với bà ngoại. Nhưng kết quả học tập tại trường của em rất đáng tự hào. Kết thúc học kỳ II năm học 2011-2012, điểm học trung bình của em là 8,4. Em học giỏi toàn diện. Môn cao điểm nhất là Lịch sử 9,0”.
Thương bà, Tuyết tự hứa với lòng mình, sẽ đem thật nhiều điểm 9, 10 về cho bà xem. Sau này, Tuyết muốn học để làm cô giáo dạy Văn.
Không giấu nổi niềm vui, bà Liên hồ hỏi nói: “Tôi chỉ mong hai chị em nó học thật tốt. Tôi sẽ cho nó học tới cùng, để làm cô giáo”.
Nói là làm, bà Liên dành tất cả tình thương yêu cho hai đứa cháu gái bé bỏng. Bà lên nương lên rẫy làm quần quật để có gạo, sắn, ngô nuôi hai cháu lớn khôn.
Theo Nguyễn Tuấn (Dân trí)