>> Bài 2: Trường tạm, lớp ghép, thầy giáo trẻ.
Tuy đã giảm về số lượng nhưng tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn xảy ra ở trường THPT Tây Giang. Ảnh: XUÂN PHÚ |
BÀI 1: VẤN NẠN BỎ HỌC
Ngành giáo dục không còn đơn độc gánh vác trách nhiệm khi ngày càng có nhiều chương trình, dự án đầu tư, nhất là đối với miền núi. Tuy nhiên, bên cạnh những cải thiện đáng ghi nhận, con chữ ở vùng cao vẫn còn trĩu nặng khó khăn, trong đó, tình trạng học sinh bỏ học luôn là vấn đề nhức nhối.
Nhiều nguyên nhân
Số lượng học sinh bỏ học những năm gần đây ở các huyện vùng cao Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang… không còn nhiều đến mức đáng báo động như những năm trước. Nhưng con số học sinh bỏ học vẫn dai dẳng, nhức nhối sau mỗi học kỳ hay tổng kết năm học của từng địa phương. Năm học 2010 - 2011, Nam Giang có 21 học sinh bỏ học. Con số ở Tây Giang, Phước Sơn cũng xấp xỉ chừng ấy, chủ yếu rơi vào học sinh cấp THCS. Trưởng phòng GDĐT huyện Tây Giang - Huỳnh Kim Tín cho biết: “Ở vùng cao, chuyện vận động học sinh đi học, đến lớp phải tính từng ngày. Học sinh không đến lớp một ngày, giáo viên đã phải đến tận nhà, tận bản để kịp thời vận động các em trở lại lớp. Nhưng để không còn học sinh bỏ học là cả một quá trình”. Nguyên nhân không mới, theo thầy Tín chủ yếu là do đời sống của người dân vùng cao còn nhiều khó khăn, chuyện học hành của các em cũng chưa được quan tâm đúng mức. Thiếu sự quan tâm của gia đình, chuyện học của các em được “khoán trắng” cho thầy cô và nhà trường.
Một rào cản không nhỏ cho chuyện học sinh bỏ học là những tập tục, hủ tục lạc hậu còn tồn tại ở nhiều địa phương miền núi, đặc biệt là nạn tảo hôn. Tại Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang…, hầu như năm nào cũng có học sinh bỏ học để... lập gia đình. Đặng Thị Ngọc D. (trường THPT Âu Cơ, Đông Giang) - trường hợp hiếm hoi trở lại trường sau khi lấy chồng - tâm sự: “Ở nhà, chuyện cưới hỏi do bố mẹ quyết định. Cha mẹ đã nhận lễ rồi thì phải về lấy chồng thôi. Mình xin mãi gia đình và chồng mới cho trở lại trường học tiếp. Còn như các bạn khác thì phải ở nhà đi rẫy, đi nương trả lễ cho nhà trai, không được đi học nữa”. Hiệu trưởng một trường THPT tại Đông Giang cho biết: “Năm học nào cũng có khoảng 20 học sinh bỏ học. Điều kiện kinh tế khó khăn, sự thiếu quan tâm của gia đình… là những nguyên nhân khiến số lượng học sinh bỏ học đáng lo ngại như thế. Nhức nhối và đau lòng nhất vẫn là nạn tảo hôn. Nhà trường cũng đã phân công giáo viên thường xuyên về các thôn bản tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho bà con, nhưng để chấm dứt triệt để thì còn lâu lắm!”.
Điểm “nóng” Nam Trà My
Theo báo cáo của Sở GDĐT, tình hình học sinh bỏ học trong năm học 2011 - 2012 có chiều hướng gia tăng ở bậc THPT, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Kết thúc học kỳ 1, cả tỉnh có 1.209 học sinh THPT bỏ học, tăng 0,04% so với năm học trước. Riêng trường THPT Nam Trà My số học sinh bỏ học tăng đột biến. Báo cáo mới nhất của trường cho biết, thời điểm ngày 1.3 có 141 học sinh bỏ học và hiện nay vẫn còn 105 em bỏ học, trong đó nhiều nhất là khối lớp 10 với 85 em.
Tại trường THPT Nam Trà My, hầu hết các lớp khối 10 đều có hơn 1/3 học sinh bỏ học. Ảnh: HOÀNG THỌ |
Theo ông Lê Thanh Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, trước Tết Nguyên đán, huyện nhận định thời điểm sau tết học sinh bỏ học nhiều do thời gian chơi tết của các em kéo dài nên đã có chỉ đạo cho các xã quan tâm tuyên truyền người dân nhắc nhở, động viên con em đi học. Rất tiếc là huyện chỉ biết thông tin bỏ học nhiều sau khi báo chí phản ánh. Phó Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Minh Hoàng đặt câu hỏi: Vì sao học sinh tiểu học, THCS rất ít em bỏ học mà THPT lại bỏ học quá nhiều? Theo lý giải của ông Hoàng, có nhiều nguyên nhân nhưng dễ thấy hơn cả là khi lên cấp 3, các em đi học xa nhà, ở nội trú hoặc ở trọ không có người nấu ăn mà phải tự nấu. Chưa kể nhiều em từ chỗ có nơi ăn ở nội trú đàng hoàng khi còn học THCS tại trường phổ thông DTNT huyện nhưng lên học tại trường THPT Nam Trà My không có điều kiện như thế dẫn đến hụt hẫng, chán nản. Ngoài ra, khả năng tiếp thu bài hạn chế khiến cho nhiều em không theo kịp rồi bỏ học.
Từ đầu năm học 2011 - 2012 đến nay, huyện Nam Trà My mới chỉ cấp cho trường THPT Nam Trà My 3,5 tấn gạo, trung bình mỗi em hơn 5kg gạo, ít hơn nhiều so với các năm trước. |
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, đó vẫn chưa hẳn là lý do chính khiến cho tình trạng học sinh THPT Nam Trà My bỏ học tăng đột biến. Làm việc với trường THPT Nam Trà My mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả đã chỉ ra rằng, không chỉ vì điều kiện trường khó khăn, chất lượng đầu vào thấp, chế độ chính sách chưa đảm bảo mà chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Ngành, trường chưa sâu sát, chưa dự lường trước nguy cơ học sinh bỏ học để có giải pháp duy trì sĩ số. Bên cạnh đó, chính quyền huyện, xã cũng thiếu sự quan tâm để hỗ trợ, giúp đỡ nhà trường.
Công tác quản lý của ngành còn bất cập cũng được xem là nguyên nhân gián tiếp ở Nam Trà My. Với điều kiện một ngôi trường miền núi còn rất nhiều khó khăn, vậy mà nhiều năm nay chỉ có 1 cán bộ quản lý. Đã vậy, đội ngũ giáo viên biến động khá lớn. Đầu năm học 2011 - 2012 trường nhận 8 giáo viên, được vài tháng có 13 giáo viên thuyên chuyển về đồng bằng và sau đó lại bổ sung 10 giáo viên mới ra trường. Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Sự biến động liên tục về đội ngũ đã làm cho nhà trường khó khăn trong công tác phân công giáo viên chủ nhiệm cũng như giảng dạy và việc nắm bắt về công tác chủ nhiệm của giáo viên sẽ rất hạn chế. Hơn nữa, giáo viên phần lớn đều còn rất trẻ về tuổi đời, chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp, kinh nghiệm sống nên càng khó khăn hơn trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh”.
_____________________
X.PHÚ - PH.GIANG - V.ANH (Báo Quảng Nam)