Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước giao chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ trì, lập giải pháp khắc phục việc thấm nước. Trước mắt, tập trung xử lý việc thấm nước thành dòng qua thân đập phía hạ lưu trong thời gian nhanh nhất. Đồng thời, tổ chức khảo sát kỹ hiện trạng, đánh giá và xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp tổng thể, xử lý việc thấm nước qua đập bảo đảm yêu cầu của thiết kế. EVN cần mời các chuyên gia và đơn vị có kinh nghiệm trong việc xử lý thấm tham gia thực hiện. Tuy nhiên, phải đánh giá tổng thể về chất lượng, an toàn đập sau khi xử lý, nếu đủ điều kiện mới chính thức nghiệm thu công trình và phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hạ du.
Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng ấn định việc xử lý thấm nêu trên phải hoàn thành trước mùa lũ năm 2012. Sau khi hoàn thành công tác xử lý thấm, các bên phải tổ chức đánh giá tổng thể chất lượng đập thông qua kết quả quan trắc sự làm việc của đập, hồ sơ nghiệm thu thi công xây dựng đập đối chiếu với yêu cầu thiết kế, từ đó mới có cơ sở kết luận việc chính thức nghiệm thu công trình.
Nhà thầu phải bỏ chi phí sửa chữaCùng ngày, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, TS Bùi Trung Dung, cho biết do thủy điện đang trong thời gian bảo hành nên toàn bộ chi phí sửa chữa, khắc phục sự cố sẽ do các nhà thầu chịu trách nhiệm chi trả. Chủ đầu tư cùng nhà thầu sẽ lựa chọn ra phương án khắc phục bảo đảm 3 yếu tố: chất lượng, tiến độ kịp trước mùa lũ để tích nước, giá thành hợp lý.
Về việc “quên” đường ống thoát nước kết nối từ dãy tầng hầm bên trái với dãy bên phải dẫn về phía hạ lưu, ông Dung cho rằng đây là lỗi kỹ thuật không nghiêm trọng và có thể khắc phục. Giải thích về nhận xét “nương nhẹ” này, theo ông Dung, nguyên nhân của hiện tượng rò rỉ nước từ thân đập là do tắc nước phía bên trong thân đập vì thiếu đường ống dẫn nước thoát, vì vậy chỉ cần lắp đặt đường ống để thông tắc.
Theo nguyên tắc, ở giữa thân đập thủy điện sẽ có một màng omega thu nước về 3 đường hầm để thoát ra ngoài và cứ cách khoảng 3m sẽ có một mũi khoan đặt đường ống thu nước xuống. Bên cạnh đó, ở tất cả các khe co dãn sau tấm omega cũng được đặt ống thu nước. Hiện màng thu nước hoạt động không tốt nên phải tiến hành thông tắc, sau đó khoan bổ sung các đường ống thoát nước để không tái diễn. “Tuy nhiên, thiếu sót “quên” đường ống dẫn nước cần được chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc vì đã gây ra lo ngại và hoang mang cho người dân” - ông Dung nói.
Trước lo ngại của nhiều nhà khoa học về hiện tượng nước phun ra từ khe co dãn là do rách màng chắn nước omega và đập có thể bị nứt, dịch chuyển có thể làm vỡ đập, ông Dung phân trần: “Phía hạ lưu đập không có màng omega, vì thế khi đọng nước trong thân đập thì tất yếu sẽ phun ra thân đập phía này. Đây chưa được xem là sự cố mà chỉ là lỗi kỹ thuật và trong quy trình vận hành hồ có thể xảy ra hiện tượng này, cũng như phải có thời gian để đo độ thấm. Tuy nhiên, việc để nước thoát ra ngoài thì đúng là không được phép”.
Về xử lý trách nhiệm các bên liên quan đến sự cố, ông Bùi Trung Dung cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN phải tiến hành làm rõ và xử lý các sai sót. |