GS. Ngô Bảo Châu khi nói về giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam cho rằng chúng ta làm ngược với thế giới, đặc biệt là công tác nhân sự liên quan đến đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm vào các chức danh học thuật trong trường. Đó mới chỉ ở một khía cạnh làm ngược của giáo dục đại học, bởi nếu nhìn ra cả ngành giáo dục chúng ta còn thấy nhiều cái ngược đời trái khoáy ở tất cả các bậc học theo kiểu tư duy "mùa vụ". Đã từng có khá nhiều chủ trương, quyết sách ngược của ngành giáo dục khiến cho dư luận nhiều phen dậy sóng.
Ngược ở giáo dục mầm non
Ở giáo dục mầm non cấm trẻ em được học ngoại ngữ sớm, trong khi nhiều chuyên gia ngôn ngữ lại khuyến cáo rằng cho trẻ tiếp cận với ngôn ngữ khác có thể tăng cường khả năng ngôn ngữ và tư duy của trẻ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, dạy trẻ em một ngôn ngữ nước ngoài sớm ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển trí tuệ, tăng cường phát triển hệ thần kinh của trẻ. Việc đó còn giúp cho trẻ linh hoạt trong tư duy, nhạy cảm hơn với ngôn ngữ và năng lực nghe tốt hơn. Quan trọng hơn còn giúp cho trẻ hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng.
Giá mà ngành giáo dục chịu khó nghiên cứu xem thế giới này người ta hành xử thế nào trong việc dạy ngoại ngữ sớm cho trẻ và nghiên cứu thực tiễn ở Việt Nam thì quyết định sẽ khó có thể ngược được rồi lại phải miễn cưỡng vòng vo giải thích.
Ngược cả ở giáo dục phổ thông
Ở giáo dục phổ thông, nếu ai đó nhớ lại lần đổi mới chương trình và SGK khởi đầu cách đây hơn 10 năm, người ta cũng làm ngược quy trình biên soạn SGK và chương trình. Ngành giáo dục đã không thiết kế cơ cấu hệ thống giáo dục cho tốt hơn, lại không xây dựng được các chuẩn học tập (yêu cầu tối thiểu năng lực mà mỗi học sinh tốt nghiệp ở một cấp học hay một lớp học cần có) ở mỗi cấp học thuộc giáo dục phổ thông, nhưng lại biên soạn SGK trước, làm chuẩn chương trình sau (chuẩn kiến thức và kỹ năng sau) nên dẫn đến sự quá tải, cắt khúc và trùng lắp.
Theo kinh nghiệm thế giới, người ta luôn dựa vào một hệ thống giáo dục ổn định để thiết kế các chuẩn học tập ở đầu ra từng lớp học, tích hợp tối đa nội dung các môn khoa học, sau đó mới tính đến SGK.
Một trong những chỗ rối nhất ở hệ thống giáo dục nước ta là sau giáo dục THCS (lớp 9) và sau THPT, hệ thống phân dòng chảy học sinh sau các cấp học này khá rối và ngành giáo dục đã hơn một lần thất bại, theo đuổi hàng thập kỷ rồi rút lui không kèn không trống chính sách phân ban sau THCS. Học sinh sau THCS có thể tiếp tục học THPT (kể cả giáo dục thường xuyên), có thể học nghề ở các cơ sở dạy nghề hoặc có thể bỏ học đi làm sớm.
Tuy nhiên, lướt qua đề án về đổi mới chương trình và SGK của ngành giáo dục gần đây thì lại thiếu mất cấu phần đổi mới chương trình và SGK dành cho một dòng chảy học sinh sau THCS đi vào các trường nghề. Câu chuyện không chỉ đơn giản dừng lại ở chương trình và SGK mà còn có hệ lụy đến công tác phân luồng và liên thông từ dạy nghề vào giáo dục ĐH. Ngành giáo dục lại đang đắc ý xin ý kiến của dư luận về cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT và thi Đại học, nhưng lại quên đi đối tượng tốt nghiệp THCS vào học nghề thì thi tốt nghiệp thế nào và thi vào Đại học ra sao? Vì thế, mục tiêu phân luồng 30% học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp chỉ là cái khẩu hiệu mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là thực chất.
Ngược cả ở giáo dục đại học
Ở GDĐH có thể kể ra vô số quyết sách ngược đến mức ngớ ngẩn. Xã hội hẳn còn nhớ việc dự thảo một thông tư nào đó không cho các trường Đại học ngoài công lập đào tạo ngành Luật, Báo chí... được người có trách nhiệm giải thích do "lỗi kỹ thuật". Nhưng đến câu chuyện Bà mẹ Việt Nam anh hùng được "chiếu cố" ưu tiên cộng điểm thi ĐH thì không thể đổ cho "lỗi kỹ thuật" được nữa.
Các năm 2009, 2010 ngành giáo dục lại ra văn bản tạm dừng việc mở ngành đào tạo của các trường Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng và Đại học để "chấn chỉnh". Ô hay, nhà trường hoạt động theo các quy định của Hiến pháp, Luật pháp tương tự như doanh nghiệp hoạt động được pháp luật bảo vệ, vi phạm quy định pháp luật thì phải xử lý, thế nhưng Bộ Giáo dục lại áp dụng triết lý "không quản được thì cấm".
Có biết bao nhiêu cơ sở giáo dục đầu tư thuê mướn nhà cửa, tuyển dụng giáo viên mỗi tháng chi đến hàng trăm triệu đành bùi ngùi, lắc đầu không dám kêu ai, ngậm miệng chịu thiệt. Liệu chúng ta có bao giờ dừng việc xử lý hồ sơ cấp phép cho hoạt động kinh doanh khi doanh nghiệp đó chưa có vi phạm nào đến thời điểm cấp phép? Câu trả lời chắc chắn là không. Vậy thì đối với các trường cũng vậy.
Mới đây, ngành giáo dục lại có thêm một quy định tréo ngoe về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Mặc cho dự luận bàn tán cái sự ngược là đào tạo không gắn với nhu cầu từ nhiều năm, nhưng cái Thông tư số 57 oái oăm lại khuyến khích cái việc "tự chủ" của nhà trường có đến đâu đào tạo đến đấy (quy định việc các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên). Vì thế, trường cứ có biên chế giáo viên là cứ đăng ký tuyển cho nhiều, thu học phí, được cấp ngân sách... để rồi thất nghiệp. Hệ quả là các ngành kinh tế, sư phạm, quản lý thừa mứa đến mức hàng chục nghìn các cử nhân đành phải ngậm ngùi về quê xin làm công nhân cho lành hoặc thất nghiệp. Có địa phương giáo viên tiểu học và THCS, THPT đã quá thừa, nhưng vì còn biên chế giảng viên CĐ, ĐH nên phải cố đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh (cho giảng viên có việc làm) để đào tạo cho họ trở thành những người thất nghiệp sớm. Những người làm chính sách GD nhưng lại thiển cận về kinh tế học lao động trong thị trường tránh sao khỏi ngược.
Đã nhiều năm cái quy trình ngược của ngành giáo dục trong việc tuyển sinh vào đại học khi đòi hỏi thí sinh phải đăng ký nguyện vọng vào trường và ngành học trước khi kỳ thi diễn ra. Chính quy trình không giống ai này đã làm mất đi sự công bằng trong thi tuyển sinh do nhiều thí sinh điểm thì cao trên 18 điểm nhưng vẫn trượt dại học do trò chơi may rủi của sự lựa chọn trường, trong khi ấy nhiều thí sinh khác điểm thấp hơn (từ sàn trở lên thường 13 điểm) lại đỗ đại học. Quy trình ấy đã vô hình chung loại bỏ thí sinh có năng lực học tập ra khỏi cuộc chơi tuyển sinh vào đại học. Lẽ ra cần phải cho thí sinh biết được điểm thi của mình, biết được thông tin về các ngành hoặc trường định theo học để rồi đăng ký, khi ấy sẽ thuận hơn nhiều.
Mấy ngày qua, dự luận lại được bàn tán nhiều về các phương án thi và đến nay thì vừa được quyết xong, nhưng dư luận vẫn chưa thấy xuôi. Thi cử chỉ là công đoạn gần cuối của một quá trình giáo dục và đào tạo. Bản thân việc đổi mới thi ở tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào Đại học chưa nói nên việc đóng góp nhiều vào việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực nói riêng. Điều cần thiết là sự đổi mới này cần nằm ngoài cả ở việc thay đổi chính sách thi cử và nằm ngoài giáo dục phổ thông. Đổi mới thi cử có thể không thành công nếu hệ thống GDĐH vẫn đang bị buông lỏng kiểm soát chất lượng, vẫn nặng về chạy theo số lượng (quy số lượng ra tiền). Vẫn còn đây đó những giảng viên phẩm chất và năng lực yếu kém, vẫn còn đó những sinh viên lười học ở phổ thông và cả ở Đại học, nhưng vẫn cứ tốt nghiệp thì mọi đổi mới thi cử sẽ thất bại và mục tiêu đào tạo nhân lực có chất lượng trở nên hão huyền.
Đổi mới thi cử không nên xem là giải pháp toàn năng khi mà cơ cấu hệ thống giáo dục còn rối rắm chưa hoàn thiện, quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo còn chồng chéo, thiếu tính tiêu chuẩn, tính hội nhập trong điều kiện thị trường thiếu việc làm và chưa minh bạch trong tuyển dụng, trả lương còn nhà trường chưa coi trọng chất lượng.
Sơ sơ điểm ra mấy cái sự ngược chủ yếu do những người thiết kế và thực hiện chính sách. Để khỏi phải làm ngược trong quy trình đổi mới, ngành giáo dục nên rút ra những bài học rằng mọi quyết sách phải dựa trên nghiên cứu khoa học khách quan, để suy nghĩ thấu đáo từ việc đổi mới bộ máy ở cơ quan đầu não của ngành, chọn lựa nhân tài đến đổi mới cơ cấu hệ thống, thiết kế đồng bộ chính sách, cơ chế để mọi đổi mới giáo dục nhận được lòng tin của xã hội, phát triển một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân. Có như thế mới tránh cho đổi mới giáo dục khỏi cảnh... "3 chìm 7 nổi".
Nguồn: giaoduc.net.vn