Với những giáo viên nơi đây, những khó khăn, vất vả thường nhật đã vơi bớt phần nào nhờ tình cảm của học trò và người dân.
Vượt qua những đoạn đường trắc trở, nơi chưa có đường ô tô đi tới, chiếc xe máy của chúng tôi nhiều lần phải gầm lên khi đi qua những đoạn dốc đất đỏ dẻo quánh sau cơn mưa rừng bất chợt. Sau bao vất vả, chúng tôi cũng đến được trường THCS Trà Leng (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)
Chuyện giáo viên cắm bản…
Tiếp chúng tôi là các cán bộ, giáo viên trong trường và cả các học sinh cùng những người dân quanh trung tâm xã. Lâu lắm mới có người từ dưới xuôi lên, mọi người vây quanh hỏi thăm và chia sẻ những nỗi vất vả dọc đường đi. Nhìn những gương mặt vui tươi của đồng bào bất chấp những khó khăn thiếu thốn nơi vùng sâu vùng xa, chúng tôi cảm nhận phần nào tình cảm của những con người nơi đây.
Trường THCS xã Trà Leng
Cô Kiều Thị Thanh Thuyết - Phó Hiệu trưởng trường THCS Trà Leng, người đã gắn bó với ngôi trường này 10 năm cho biết, xã thuộc diện khó khăn nhất tỉnh, giao thông chưa thuận lợi nên việc học tập của con em đồng bào nơi đây cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Để có được ngôi trường như hiện nay, các giáo viên đã phải cùng người dân cõng lên từng viên gạch, từng bao xi măng, gùi từng hòn đá đi bộ cách cả ngày đường đưa về xây trường học.
Những ngày đầu khi trường đặt tại trung tâm xã, học sinh đi học không nhiều, không đều như bây giờ, các giáo viên phải thay nhau đến từng gia đình động viên gia đình cho các em đi học.
Dẫn chúng tôi đi tham quan những dãy phòng học khang trang được xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau, cô Thuyết chia sẻ: “Hiện tại trường đã có khu nội trú riêng cho học sinh khối cấp 2 từ nhiều làng xa đến học và ở lại. Còn nhà công vụ cho giáo viên thì hiện tại chưa có. Có giáo viên phải ở cùng nhà với đồng bào, cũng gặp nhiều bất tiện”.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Ký, người đã lên đây dạy học từ 14 năm trước cho biết: “Ban đầu lên đây giữa núi rừng heo hút, buồn lắm. Có lần về lại dưới xuôi định không lên nữa, nhưng lại thương học trò, thương những gia đình ở đây còn nhiều cực nhọc, thế là lại khăn gói lặn lội lên trường”.
Bây giờ, hỏi những giáo viên như cô Thuyết, cô Ký, và rất nhiều thầy cô giáo, họ đều trả lời rằng không muốn rời xa trường. Bởi nơi đây có một điều gì đó rất nặng lòng níu giữ họ lại.
Gian khó những điểm trường…
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được đến những điểm trường xa thuộc trường THCS Trà Leng nằm trên những dãy núi cao ngất của đại ngàn Trường Sơn, nhiều thầy cô giáo đã tỏ ý nghi ngại vì đường đi vô cùng khó nhọc.
Điểm trường xa nhất cách cả ngày đường đi bộ, vượt qua suối sâu, rừng rậm, vạch lá mà đi và nguy hiểm khi phải đối mặt với thú rừng; điểm trường gần nhất thì cũng cách 2-3 giờ.
Điểm trường tranh tre nứa lá tại Đắk Lẻ
Thấy quyết tâm của chúng tôi, cô Phó Hiệu trưởng đành chiều ý và đích thân làm người dẫn đường. Sau nhiều giờ đi bộ, vượt qua những con suối cạn nước, chúng tôi cũng đã đến được điểm trường Tăk Lẻ, một trong những điểm trường xa nhất của trường THCS Trà Leng.
Nơi đây chỉ có 3 giáo viên đứng lớp, trong đó có một cô giáo lên đây hơn 10 năm. Còn lại là hai giáo viên trẻ mới ra trường.
Thầy giáo trẻ Trần Văn Tám, quê miền biển Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Ở đây không có nước sạch, không điện, không ti vi, báo chí. Chúng tôi chỉ biết làm bạn với cây rừng. Nhưng người dân thương giáo viên nên cũng được an ủi phần nào”.
Gian nan con đường đến trường
Trường lớp vẫn còn tranh tre nứa lá, nhiều cột chống mục phải làm thêm những cột phụ chịu lực mới trụ nổi. Nhìn bữa cơm của các giáo viên nơi đây chỉ có cá khô, rau lang rừng chấm với nước muối pha loãng mới thấy hết được sự cực nhọc của họ.
Ngoài giờ học, những giáo viên phải tự tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà, hay xuống suối bắt cá để cải thiện bữa ăn. Lâu lâu khi có đoàn lên thăm mới nhờ gửi được gạo, mắm, cá khô, hay một chiếc áo mới. Đến mùa mưa lũ chia cắt, nhiều lúc hết gạo, hết cá phải cùng ăn sắn, ăn khoai với đồng bào nhiều ngày để chờ người đến giúp đỡ.
Thầy Huỳnh Tấn Sơn, người có thâm niên đứng lớp 8 năm tại điểm trường Đăk Lẻ cho biết: “Có lần đi công tác, đến bên suối thì lũ đổ về đột ngột nên phải nằm lại hai ngày trời, chờ lúc lũ rút mới đi tiếp được. Một lần đi qua cầu treo làm bằng những sợi mây bện lại, giữa chừng cầu treo bị đứt phải bám vào dây neo trèo lên…. Còn chuyện đi giữa đường gặp thú dữ thì nhiều không kể xiết!”
Và những chuyện tình nơi bản xa…
Những khó khăn vất vả là thế, song những giáo viên cắm bản vẫn cố gắng vượt qua và thêu dệt nên câu chuyện tình đẹp như trong cổ tích.
Hai vợ chồng thầy giáo Phạm Lý Hóa tại điểm trường bản Ông Nhày đã lên đây gần 10 năm. Chiều muộn, chúng tôi đến thăm vợ chồng thầy Hóa, thầy xuống suối bắt cá, chỉ còn cô Nguyễn Thị Thủy ở nhà cùng cậu con trai chưa đầy 3 tuổi bụ bẫm.
Cô Thủy chia sẻ: “Hai vợ chồng đều lên đây từ những năm điểm trường mới thành lập, gặp nhau và cùng nhau vượt qua biết bao gian khó. Đến với nhau và quyết định ở lại cùng với đồng bào. Nơi đây thật sự đã trở thành chốn yên bình hạnh phúc với chúng tôi.”
Hay chuyện cô giáo Nguyễn Thị Kim Ký cũng có chồng là giáo viên trong trường, nhưng vì nhiệm vụ, hai vợ chồng phải công tác ở hai điểm trường khác nhau, chỉ gặp nhau được những ngày lễ Tết, hay những dịp nghỉ hè.
Nhiều cô giáo trẻ lên đây phải tạm xa những mối tình nơi miền xuôi, thế nhưng có những chàng trai vẫn vượt bao đường đất lên đây thăm người yêu, thấy được những khó khăn của người thương và quyết định… lên đây lập nghiệp. Thế mới thấy sức mạnh của tình yêu có thể vượt qua tất cả!
Tạm biệt những giáo viên cắm bản nơi vùng núi cao Trà My, chúng tôi xuống núi và mang theo về xuôi sự khâm phục những người giáo viên đã vượt qua tất cả để mang cái chữ lên cho đồng bào. Họ không mong muốn gì nhiều hơn những ánh mắt trẻ thơ khao khát cái chữ./.
CTV Bùi Hữu Cường/VOV Online