Hoàn toàn bị cô lập bởi 2 nhánh sông của con sông Trạm, người dân hai thôn Đông Phú và Ba Hương của xã Trà Đông, huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) quanh năm phải lội, bơi qua sông mới đi ra ngoài làm việc, học hành được.
Cả hai thôn Đông Phú và Ba Hương hiện gộp lại gần 100 hộ gia đình. Mùa nắng, nước chỗ cạn nhất cũng lên đến đầu gối người lớn. Mùa mưa, khi nước sông dâng cao thì ngôi nhà gần nhất cách bờ sông ngót 500 mét cũng ngập đến cao hơn cửa sổ.
Cả hai thôn chưa có trạm y tế nên nếu có ai đau nặng hoặc trở dạ sinh con thì người dân thường phải cố định người bị đau trên một chiếc bè phao thật chắc. Hai đến 3 thanh niên bơi thành thạo vừa bơi vừa dìu chiếc bè phao ấy qua nhánh sông thứ nhất, xong lại khiêng bè đến nhánh sông thứ 2, rồi lại vừa bơi vừa dìu qua.
Đến Tết, muốn đi chơi thì phải chuẩn bị 2 bộ quần áo, một để mặc bơi qua sông, một để thay đi chơi khi qua bờ bên kia.
Ở 2 thôn này, thường thì ba mẹ các em học sinh phải bỏ làm bỏ ăn để cõng con qua sông rồi chờ để cõng con trở về nhà. Qua xong 2 nhánh sông, các em lại phải kiếm chỗ thay quần áo để vào trường.
Dân ở đây trồng lúa, sắn và một số cây trồng cũng như nuôi những con vật nuôi như trâu, bò, lợn....Do địa hình đi lại quá khó khăn, người dân bị ép giá. Nếu không bán cho thương lái thì không cách gì vận chuyển được một số lượng sản phẩm nông nghiệp lớn qua 2 nhánh sông để ra ngoài.
Ông Lê Quang Dự, trưởng thôn Ba Hương cho biết thêm, đã rất nhiều lần người dân và hai thôn trưởng của Ba Hương và Đông Phú đã đề nghị chính quyền cho cây cầu treo để người dân ổn định đi lại, góp phần xây dựng cuộc sống. Dân cũng đã phản ánh nhiều lần nhưng đều không hiệu quả.
Dưới đây là một số hình ảnh vượt sông của người dân:
Cùng nhau đưa con qua sông đi học
Ông Nguyễn Tiễn, trưởng thôn Đông Phú đang hướng dẫn học sinh trong thôn mặc áo phao trước khi bơi qua sông.
Học sinh 2 thôn đang bơi qua sông để đi học
May quá, đã vào được bờ...
Dân thôn đang tập trung để đón con đi học về từ bên kia sông.
Nguyễn Thành Giang/BEE