Nhóm đạo chích ngụ tại xã Trà Lập (huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam) có lẽ xứng đáng được "phong tặng" danh hiệu "Những tên trộm xuẩn ngốc nhất Việt Nam 2011".
Với “tiêu chí” “được voi đòi Hai Bà Trưng”, nhóm đạo trích này sau khi ăn trộm 3 con bò của một người dân khi bị phát hiện đã khất lần “Khi nào có tiền mới đền”. Oái oăm hơn nữa, sực nhớ chuyện đàn bò khi mới bị chúng dắt trộm về đã “trả thù” mình bằng cách xơi sạch rừng keo non nhà tên trộm, nhóm dạo chích nhất quyết đổi ý: “Ừ thì tao trộm thật nhưng bò nhà mày ăn keo nhà tao nên “huề cả làng”.
Quan niệm ngang ngược của nhóm trộm đã phải thay đổi khi phiên xử của Tòa án diễn ra vào cuối tháng 12/2011 vừa qua đã “tặng” cho chúng những bản án thích đáng.
Đàn bò liên tiếp bị “hô biến”
Lâu nay người dân sống ở miền núi Quảng Nam thường có tập quán chăn thả rộng gia súc ở các bìa rừng nên đôi lúc gia súc bị bắt trộm, giết thịt cũng chẳng biết hoặc có hay thì đã… vào nồi. Kẻ trộm thường lợi dụng đường rừng núi hoang vắng để vào dắt bò thản nhiên như bò nhà mình.
Đầu năm 2011, bà Nguyễn Thị Đông (ngụ thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) trong lúc chăn thả rộng một đàn bò ngoài bìa rừng liên tiếp bị mất trộm. Trước đây, lác đác đàn bò của bà Đông vẫn bị bắt, khi thì một vài con bê, khi thì con bò cái lớn. Nạn nhân kể không chỉ mỗi gia đình bà mà nhiều người trong thôn, xóm cũng gặp phải trường hợp tương tự. Cũng có vài đối tượng để “nghi ngờ” đấy, nhưng vì không “bắt tận tay, day tận trán” nên trước những vụ mất trộm, người dân đành ngậm ngùi bỏ qua.
Khổ chủ kể thêm, trước đây bà có hai con bò nhận được từ sự trợ giúp của Nhà nước nhưng sau một thời gian nuôi đã biến mất bí ẩn không để lại dấu tích. Sự việc được cấp báo lên chính quyền và công an xã Trà Mai đã vào cuộc nhưng điều tra gắt gao vẫn không tóm được thủ phạm.
Dấu chân bò “biết nói”
Nhiều lần rình canh kẻ trộm nhưng chẳng có kết quả, trong khi bò thì vẫn mất nên bà Đông chuyển từ canh người sang “phương án” truy tìm thủ phạm từ dấu chân bò. Và quả nhiên cách này có hiệu quả khi cuối tháng 4/2011, trong lần tiếp theo phát hiện mình vừa bị mất bò, bà Đông liền lần theo dấu chân mà kẻ gian dắt gia súc của bà đi. Dấu chân này rải dọc mé sông, kéo dài đến khu vực thôn 4, xã Trà Lập kế bên thì mất dấu. Tìm được đúng địa điểm của kẻ trộm nhưng còn bò thì ko còn cứu được nữa vì nó đã bị “hóa kiếp” vào nồi của bốn gia đình trong thôn này.
Cuộc đối chất giữa hai bên lúc đầu diễn ra khá cam go. Người bị hại thì khăng khăng có dấu chân bò làm chứng, còn những nghi phạm thì cố “cãi chày cãi cối” cho rằng “bò đã chết thì lấy gì làm minh chứng”; “bò nào chẳng có dấu chân như nhau”; “rừng thì vốn của… Nhà nước nên thích dắt bò đi đâu thì đi chứ sao”….
Uất ức vì liên tục bị mất bò và đã nhọc công theo dõi mà nay có nguy cơ thủ phạm vuột mất, bà Đông thậm chí còn đòi lấy thịt bò và lông bò để gửi đi… giám định AND, dù thực tình chẳng ai biết có cơ quan chức năng nào nhận thực hiện yêu cầu hi hữu này không? Rất may sau đó, khi vẫn còn loay hoay tìm nơi gửi mẫu thịt và lông bò đi giám định thì người bị bại “chợt nhớ ra” là mình cần phải đi trình báo công an trước đã.
Dù lúc đó đã là gần một tuần sau khi xảy ra sự việc nhưng khi công an vào cuộc, trước chứng cứ để lại bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an xã sau một hồi tra hỏi đã có thể nhanh chóng xác định được thủ phạm thực hiện các vụ trộm bò gồm các đối tượng Hồ Văn Giới, Hồ Văn Mãi, Hồ Văn Phụng, Hồ Văn Phát (cùng trú thôn 4, xã Trà Lập). Nhóm trộm khai nhận chúng đã bắt trộm của bà Đông 3 con bò mang về giết thịt, trong đó có một con bò mẹ và hai còn bê (số bò khác bị mất có thể do các đối tượng khác trộm cắp, vẫn chưa được điều tra tiếp).
Nhóm trộm “phạt vạ… ngược”
Trong lúc cơ quan điều tra công an huyện là cấp có thẩm quyền khởi tố vụ án chưa nhận được tin báo, chính quyền xã thì chậm trễ chưa báo lên trên, nhưng biết không thoát tội nên sau khi bị lật tẩy, các đối tượng đã trực tiếp xuống nhà bà Đông xin thương lượng đền bù. Các đối tượng này cho rằng họ chỉ “lỡ” ăn có 3 con bò của gia đình bà Đông, đồng thời xin đền tiền. Trong bản cam kết viết tay làm chứng “có nợ” của mình, các đối tượng đều tính toán rất chắc chắn số tiền 3 con bò là khoảng 17 triệu.
Ngặt một nỗi vì có bốn người nên số tiền trên lại khó chia đều, vì vậy họ xin “Thôi thì cô Đông bớt cho chúng tôi một triệu”. Phương án cuối cùng là cả nhóm đền bù 16 triệu, mỗi người tự nhận mình là nợ khổ chủ bốn triệu. Đã “bồi thường nợ” nhưng còn chẳng biết đến khi nào mới có tiền trả nên bốn tên đạo chích cũng xin một thời hạn trả “không giống ai”: “Đợi đến khi “có tiền rừng” (tiền khai thác rừng trồng – PV) hoặc “thu được nợ rồi sẽ trả cho cô sau”.
Khổ chủ than thở: “Đã bị mất bò, nay lại còn bị nợ tiền bồi thường nhưng thôi đành chịu vì cũng không muốn rầy rà làm gì mất tình nghĩa”. Thế nhưng vài ngày sau đó, số tiền 16 triệu trong tương lai lại có nguy cơ tiếp tục “teo tóp” phần lớn. Chuyện là sau khi đã cam kết bồi thường, nhóm đạo chích trên đường về mới ớ người ra nhớ lại: “Hai con bò đầu tiên ăn trộm về, khi dắt vào rừng cây thì nó đã ăn trụi cả rừng keo nhà mình. Mình cũng thiệt thì tội gì phải đền. Còn chưa phạt vạ bà ấy thì thôi chứ? Tính đúng ra thì bà Đông mới phải trả tiền ngược lại cho mình chứ sao mình phải nhận bồi thường”. Với lối suy nghĩ kiểu “củ chuối” này, nhóm trộm thống nhất chỉ đền tiền con bò cuối cùng, hai con bò đầu mình đã trộm thì “huề cả làng”.
Đến lúc này, nạn nhân bực đến phát điên, không thế nín nhịn hay cân nhắc “tình làng nghĩa xóm gì nữa” và ý định viết đơn bãi nại gửi cho công an đã tan biến. Bà báo cáo thêm toàn bộ câu chuyện bị “ăn chặn” tiền đền một cách vô lối để công an củng có thêm hồ sơ khởi tố vụ án.
Tại phiên tòa lưu động mở vào giữa tháng 12/2011, căn cứ vào biên bản xem xét hiện trường vụ kiện từ cơ quan chức năng, Hội đồng xét xử khẳng định lại với các bị cáo: Số cây keo lai có bị thiệt hại, nhưng lỗi là do bốn bị cáo đã tự dẫn bò về ăn chứ bên chủ bò không hay biết, vì vậy phía bà Đông không hề có lỗi. Việc thỏa thuận giữa đôi bên là vấn đề dân sự, còn hành vi trộm cắp tài sản của bốn bị cáo vẫn bị khởi tố và truy tố trước pháp luật. Kết thúc phiên xử, TAND huyện Nam Trà My đã tuyên phạt bị cáo Hồ Văn Giới 7 tháng tù giam, Hồ Văn Mãi 6 tháng tù giam và 6 tháng tù treo cho bị cáo Hồ Văn Phụng. Riêng Hồ Văn Phát đã bỏ trốn nên bị CQĐT ra quyết định truy nã. Ngoài ra, HĐXX còn tuyên các bị cáo phải đền bù 16 triệu đồng cho người bị hại.
Vân Anh (Pháp luật & Thời đại)