Sau hơn 1 ngày tiến hành khảo sát tại 24 điểm trên hai địa bàn rừng núi Nam Trà My và Bắc Trà My (Quảng Nam), Đoàn khảo sát Viện Địa chất và Vật lý địa cầu đưa ra kết luận ban đầu về hiện tượng động đất kích thích tại đây.
Hồ thuỷ điện Sông Tranh xả nước để đảm bảo an toàn trong mùa lũ vừa qua.
Vào chiều 1/12, ngay sau khi kết thúc ngày khảo sát đầu tiên, Đoàn khảo sát của Viện Địa chất và Vật lý địa cầu đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Bắc Trà My để báo cáo kết quả.
Đoàn khảo sát do TS.Trần Tuấn Anh, Viện Địa chất và Vật lý địa cầu đưa ra nhận định ban đầu về hiện tượng nhiều tiếng nổ phát ra và sau đó là rung chuyển mặt đất tại khu vực miền núi Trà My trong thời gian qua là do động đất kích thích vết đứt gãy Bắc và Tây Bắc dưới lòng hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 và khu vực suối nước nóng, làm tăng khả năng đứt gãy, gây nên động đất kích thích ở cường độ nhẹ.
'Đây là là hiện tượng bình thường một thời gian sẽ hết, nhân dân không nên quá lo lắng' -TS Trần Tuấn Anh đưa ra nhận định ban đầu.
PGS.TS Phan Trọng Trịnh (Viện Vật lý địa cầu) nhấn mạnh: Qua 24 điểm khảo sát thực tế ở hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, chúng tôi có thể xác định ban đầu đây là động đất kích thích liên quan đến sự tích nước của hồ chứa nước thủy điện.
'Qua thực tế, đã có rất nhiều hồ chứa xảy ra hiện tượng này như Hòa Bình, Sơn La… hiện tượng này sẽ giảm dần và năm năm sau sẽ hết. Không có gì quá nguy hiểm" - ông Trịnh khẳng định.
Còn TS Lê Trường Sơn thì đưa ra nhận định ban đầu: Động đất kích thích tại Sông Tranh 2 khoảng từ 3,5 - 4 độ Richte. Trong khi đó, thiết kế của thủy điện Sông Tranh 2 chỉ chịu được được động đất 5 độ Richte. Vì vậy, với cường độ này chính quyền địa phương cần sớm xem xét xây dựng phương án di dời dân tại vùng động đất để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Theo báo cáo tại cuộc họp của Sở TN-MT Quảng Nam, đối với công trình thủy điện Sông Tranh 2, Ban Quản lý dự án thủy điện 3 đã trình Bộ TN-MT trong báo cáo tác động môi trường, chấn động cực đại Imax =7, M=5,5.
Đây là vấn đề băn khoăn lo lắng của TS. Lê Trường Sơn sau 1 ngày khảo sát cũng như tham vấn nhiều tài liệu liên quan đến hồ chứa nước thuỷ điện Sông Tranh 2.
Ông Sơn cho biết, đối với hiện tượng động đất này chúng ta không nên chủ quan mà cần phải có phương án phòng tránh đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng người dân trong khu vực xảy ra hiện tượng động đất.
Hiện tượng động đất tại vùng rừng núi Trà My không gắn liền với việc hoạt động của núi lửa. Qua khảo sát, ban đầu nhận định tầm hoạt động ở các hướng Bắc – Tây Bắc, Nam – Đông Nam và rất gần với hồ chứa thủy điện.
Trước sự việc người dân hoang mang, TS. Lê Trường Sơn cho biết, Viện sẽ soạn thảo tờ rơi, tạo Website cảnh báo động đất tuyên truyền cho nhân dân. Bênh cạnh đó, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 phải có trách nhiệm đặt máy đo gia tốc tác động đến bờ đập thủy điện là vô cùng cần thiết và là việc phải cần làm ngay để bảo vệ an toàn cho đập hồ chứa, tránh gây ra thảm hoạ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả sau khi nghe ý kiến của các nhà khoa học đã đề nghị đoàn khảo sát có báo cáo chính thức gửi UBND tỉnh.
Qua báo cáo chính thức này, tỉnh sẽ có kế hoạch và phương án cũng như làm cơ sở để đưa ra thông tin chính thức trấn an nhân dân hiểu và biết tường tận hiện tượng này.
UBND tỉnh sẽ làm việc với Ban Quản lý dự án thủy điện 3, yêu cầu chủ dự án nhà máy này tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn cho đập chính hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2. Sau đó thông báo cho nhân dân vùng hạ lưu yên tâm.
Ông Cả đề nghị đặt trạm quan trắc động đất tại Bắc Trà My, nếu hiện tượng xảy ra liên tục trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ xây dựng phương án di dời dân, diễn tập phòng chống động đất để đề phòng khi thảm nạn động đất có thể xảy ra.
Đoàn khảo sát tiếp tục tiến hành khảo sát trong những ngày tới để đưa ra kết luận cuối cùng.
(Theo Vietnamnet.vn)