Joomla Templates and Joomla Extensions by JoomlaVision.Com
Bài viết: DIỄN ĐÀN THANH NIÊN VỚI VĂN HÓA ỨNG XỬ TRÊN... - Thứ tư, 11 Tháng 12 2024 16:12
Bài viết: CHUYÊN ĐỀ MÔN TOÁN- NĂM HỌC 2024-2025 - Thứ tư, 11 Tháng 12 2024 08:51
Bài viết: DIỄN ĐÀN ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO NHÀ TRƯỜNG VỚI... - Thứ tư, 11 Tháng 12 2024 08:38
Bài viết: HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN NĂM HỌC... - Thứ sáu, 20 Tháng 9 2024 00:00
Bài viết: TỌA ĐÀM CHÀO MỪNG 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT... - Thứ sáu, 29 Tháng 11 2024 08:24
Bài viết: CHUYÊN ĐỀ MÔN KHTN-PHÂN MÔN VẬT LÝ NĂM HỌC 2024-2025 - Thứ sáu, 29 Tháng 11 2024 08:18
Bài viết: TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG... - Thứ sáu, 29 Tháng 11 2024 08:07
Bài viết: CHUỖI CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG 42 NĂM NGÀY NHÀ... - Thứ sáu, 29 Tháng 11 2024 07:54
Bài viết: TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT AN TOÀN... - Thứ sáu, 29 Tháng 11 2024 07:44
Bài viết: KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ CHO HỌC SINH NĂM HỌC... - Thứ hai, 25 Tháng 11 2024 08:34
Blue Grey Red

Chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)!

Banner GV Ok Banner HS Ok

Thủ khoa 11 tuổi và bài văn điểm 10

Cập nhật 25/6/2012

Ngày 21/6, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường THCS Marie Curie Hà Nội cho biết, kỳ thi tuyển sinh năm 2012 nhà trường bất ngờ với 1 học sinh khi em đạt điểm tuyệt đối hai môn Văn (10 điểm) và Toán (11 điểm). Theo thầy Khang, lịch sử mấy năm tuyển sinh gần đây chưa có em nào xuất sắc như vậy.

Em là Nguyễn Nga Nhi (SBD 711) - HS Trường Tiểu học Kim Liên. Dưới đây là bài thi đạt điểm tuyệt đối của em.

TRƯỜNG MARIE CURIE                                      Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2012

ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 6 NĂM HỌC 2012-2013

MÔN TIẾNG VIỆT
Thời gian làm bài 90 phút
Câu 1 (2 điểm):
a) Tìm 6 từ có tiếng “mới” sao cho được nhiều kiểu cấu tạo từ nhất.
b) Chỉ ra sự khác nhau về nghĩa của hai từ “mới tinh” và “mới mẻ” và cho ví dụ để làm rõ sự khác nhau này.
Câu 2 (1 điểm):
Vì sao hai câu sau thuộc hai kiểu câu khác nhau về cấu tạo?
- Sóng vỗ nhẹ vào bờ cát, tung bọt trắng xóa.
- Sóng vỗ nhẹ vào bờ cát, bọt tung trắng xóa.
Câu 3 (2 điểm):
Trong những trường hợp nào dưới đây, câu “Lan mời Huệ vào nhà chơi.” là câu kể? Trong những trường hợp nào, nó là câu khiến? Vì sao?
a) Lan nói với Huệ.
b) Lan nói với Hồng.
c) Hồng nói với Huệ.
d) Hồng nói với Lan.
Câu 4 (2 điểm):
“Đàn chim chớp cánh vàng khoe sắc với nắng rực rỡ, và tiếng chim lại như những chuỗi vàng lọc nắng bay đến với Hà. Chốc sau đàn chim chao cánh bay đi, nhưng tiếng hót như đọng mãi giữa bầu trời ngoài cửa sổ.”
(Bầu trời ngoài cửa sổ - Nguyễn Quỳnh)
Nếu thay từ “đọng” trong câu thứ hai bằng một trong các từ “còn”, “vang”, “ngân” thì câu văn sẽ không hay bằng. Vì sao?
Câu 5 (3 điểm):
Em đã từng được ngắm thành phố vào một thời điểm nào đó trong ngày: buổi sáng sớm khi những giọt sương long lanh còn biếng lười nằm nghiêng trên phiến lá , buổi trưa khi tiếng ve râm ran gọi hè sau tán cây phượng vĩ, buổi tối khi thành phố chìm trong muôn ngàn ánh điện lung linh. Hãy chọn một thời điểm trong ngày và miêu tả lại quang cảnh thành phố khi ấy.


Bai_van_diem_10_1

 

Bai_van_diem_10_2

Bai_van_diem_10_3

 Toàn văn bài làm đạt điểm tuyệt đối của Nguyễn Nga Nhi

 Bài làm

Câu 1 (2 điểm)

a) 6 từ có tiếng “mới” với nhiều kiểu cấu tạo từ nhất là:
- mới (từ đơn)
- mới lạ (từ ghép tổng hợp)
- mới toanh (từ ghép phân loại)
- mơi mới (từ láy âm và vần)
- mới mẻ (từ láy âm đầu)
- mới tinh (từ ghép phân loại)
b) “Mới tinh” có nghĩa là “còn nguyên vẹn, đẹp đẽ, sạch sẽ như lúc đầu”, còn “mới mẻ” có nghĩa là khác lạ, lí thú hơn sự việc bình thường”
Ví dụ:
- Cái áo mới tinh (không thể nói “cái áo mới mẻ”)
- Một suy nghĩ mới mẻ (không thể nói “một suy nghĩ mới tinh”)

Câu 2 (1 điểm)

- Sóng vỗ nhẹ vào bờ cát, tung bọt trắng xóa.
- Sóng vỗ nhẹ vào bờ cát, bọt tung trắng xóa.
Ở câu thứ nhất, vì sau dấu phẩy đặt chữ “tung” đầu tiên nên “tung” trở thành vị ngữ chính cho chủ ngữ “sóng”, “bọt trắng xóa” trở thành vật bị tác động, làm bổ ngữ cho vị ngữ “tung” nên câu đó là câu đơn nhiều vị ngữ. Ở câu thứ hai, đặt sau dấu phẩy chữ “bọt” trước chữ “tung” khiến “bọt” trở thành chủ ngữ, “tung” làm vị ngữ cho “bọt”, kết hợp với cụm chủ vị thứ nhất (sóng vỗ nhẹ vào bờ cát) tạo thành câu ghép. Chính vì vị trí của từ “bọt” trong câu khác nên chức vụ của nó cũng khác nhau và tạo thành hai câu thuộc hai kiểu câu khác nhau về cấu tạo.

Câu 3 (2 điểm)

“Lan mời Huệ vào nhà chơi”
a) Khi đó là lời Lan nói với Huệ, câu trên là câu khiến vì mục đích của người nói (Lan) là yêu cầu, đề nghị bạn làm một việc (vào nhà chơi).
b) Khi đó lời Lan nói với Hồng, câu trên là câu kể vì mục đích của người nói là thuật lại một sự việc cho người nghe (mời Huệ vào nhà chơi).
c) Khi đó là lời Hồng nói với Huệ, câu trên là câu kể vì mục đích của người nói là thuật lại một sự việc cho người nghe (lời mời của Lan).
d) Khi đó là lời Hồng nói với Lan, câu trên là câu khiến vì mục đích của người nói là yêu cầu, đề nghị người nghe làm một việc (yêu cầu Lan mời Huệ vào nhà chơi).
Câu 4 (2 điểm)

“Đàn chim chớp cánh vàng khoe sắc với nắng rực rỡ và tiếng chim lại như những chuỗi vàng lọc nắng bay đến với Hà. Chốc sau đàn chim chạo cánh bay đi, nhưng tiếng hót như đọng mãi giữa bầu trời ngoài cửa sổ.”

(Bầu trời ngoài cửa sổ - Nguyễn Quỳnh)

Nếu thay từ “đọng” ở câu thứ hai bằng từ “còn”, “vang” hay “ngân” đều không thể hay bằng vì tuy đều diễn tả rằng vẫn còn lại tiếng chim nhưng mỗi từ lại có một sắc thái khác nhau. Nếu sử dụng từ “còn”, câu văn chỉ đúng mà không có hồn, không có cảm xúc của Hà với tiếng chim. “Ngân” và “vang” tạo cho câu văn thêm cảm xúc lắng chìm lại, chỉ đến rồi lại vụt đi. Chỉ riêng từ “đọng” là thể hiện rất rõ cái âm thanh đang lưu lại giữa bầu trời, lắng lại giữa khoảng không và hình như lắng cả vào lòng của Hà. Đặc biệt, từ “đọng” đã tạo nên một phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác rất mới mẻ: “đọng” gợi cho ta nghĩ đến một thứ chất lỏng, vậy mà giờ lại được lấy để miêu tả âm thanh, khiến ta cảm giác âm thanh đó như những giọt nước mát lành, thấm đẫm vào bầu trời, thấm đẫm vào tâm trí, vào cảm xúc của Hà, của tác giả. Từ “đọng” đã tạo cho câu văn cái hồn rất mới, rất hay, rất sống động mà các từ ngữ khác không sao thể hiện hết được.

Câu 5 (3 điểm)

Nếu hỏi ai rằng: “Bạn thích thời điểm nào nhất trong ngày?” thì khó ai đoán được câu trả lời sẽ ra sao. Buổi sáng, buổi trưa hay buổi tối? Nhưng nếu hỏi tôi đây, câu trả lời sẽ là: buổi tối.

Giữa những ngày hè oi ả thế này, còn gì tuyệt hơn là một buổi tối gió lộng. Không cần phải chờ lâu, chỉ cần nhìn thấy ánh mặt trời đỏ ối buổi hoàng hôn sắp tắt, những cơn gió đã lộng hành khắp phố phường, tràn vào những căn nhà mở cửa. Mặt trời đã thiếp đi ở nơi đâu xa lắm, vậy mà một mảng trời phía tây vẫn còn vương vất những sợi tơ đỏ của ánh chiều tà. Những ánh đèn điện sáng rực dần thay thế cho mặt trời. Những đại lộ rộng thênh thang như dát vàng ánh sáng đèn điện, đông nghịt người xe. Giờ tan tầm ai cũng vội vã, hối hả trở về nhà. Tiếng còi xe, tiếng nói, tiếng cười tạo nên một bản hòa tấu của đô thị phồn hoa. Bên cái ồn ã thường nhật ấy, tôi lại yêu hơn cả khung cảnh quanh hồ gần nhà tôi. Màn đêm u tối đắp chiếc chăn dạ đen cho mặt hồ phẳng lặng. Những chị liễu vẫn nghiêng mình bên hồ nước trong xanh, chải chuốt mái tóc dài của mình như một cô thiếu nữ. Hàng bằng lăng tím biếc cũng thiếp đi, mặc cho có tiếng nói, tiếng cười của người qua lại. Gió khẽ len qua những vòm cây, cất cao tiếng hát vi vu vi vu như lời ru nồng nàn tha thiết của người mẹ đưa đàn chim bé nhỏ vào giấc mơ hồng. Những chú chim non thu đầu vào lông vào cánh, cố che đi ánh đèn điện đang tràn lan khắp muôn nơi. Giọt sương nào vừa mới kết tinh lại trên chiếc lá xanh, vô tình rớt trúng chú chim non làm tiếng hót líu ríu giật mình vang lên, rồi lại mệt mỏi thiếp đi sau một ngày múa ca bay nhảy. Khung cảnh thanh bình đứng bên vẻ sôi động của đô thị mới đẹp đẽ làm sao!

Nói đến đêm là nói đến trăng sao, vậy mà buổi tối trên Thủ đô thân yêu lại ít ai nhớ rằng có một con thuyền nhỏ đang trôi giữa dòng Ngân Hà vắt ngang bầu trời. Trong ánh điện lung linh dát vàng dát bạc cho con đường, hiếm ai nhận ra dòng trăng đang hòa vào ánh sáng rực rỡ ấy. Trăng chỉ dành cho các bà, các ông, cho đám trẻ thơ đang múa hát đón chị Hằng mà không sao quen được với sự tất bật của người thành thị. Trăng e ấp sao những mái nhà cao, in bóng trên mặt hồ như để ai dành tình cảm cho trăng đều có thể trông thấy. Trăng không làm lung linh thêm cho cảnh vật ở phố phường như trăng làm cho tôi và cho đám trẻ trong khu như thấy được sự êm ả, hiền dịu giữa chốn phồn hoa.

Không quá ồn ã mà cũng chẳng quá tĩnh mịch, vừa sôi động lại thật êm ả, thanh bình, đó chính là buổi tối trên thủ đô Hà Nội thân yêu.

(Theo Vietnamnet)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thêm bình luận


Security code
Làm mới

Đăng nhập gửi bài vào trang TNĐT

Số liệu thống kê

  • Các thành viên : 17
  • Nội dung : 618
  • Liên kết web : 6
  • Số lần xem bài viết : 4377151
tctd thuvienanh  Tai nguyen dien tu Cuoi trang
TRƯỜNG PTDTNT THCS & THPT HUYỆN NAM TRÀ MY - TRỰC THUỘC SỞ GD&ĐT QUẢNG NAM
Thôn 2 – Xã Trà Mai - Huyện Nam Trà My – Tỉnh Quảng Nam. Tel: 02353.880.079
Bản quyền thuộc về Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Nam Trà My .